Xây dựng đô thị thông minh - Xu thế tất yếu của thời đại
Phát triển một đô thị trở thành đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ và tất yếu của thời đại. Xây dựng thành công đô thị thông minh thực sự là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị, làm thay đổi về hình thức, phương thức mới của sự phát triển đô thị hiện đại đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đô thị thông minh thực sự là nơi công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được ứng dụng và kết nối vào mọi hoạt động của đô thị, nhất là các hạ tầng đô thị, tăng cường và đem lại hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và quốc gia.
Bắt đầu từ định hướng ...
Phát triển đô thị thông minh cho đến nay đã trở thành một xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Qua nhiều năm triển khai thí điểm, có rất nhiều những mô hình đô thị thông minh được triển khai trên thế giới, như mô hình đô thị thông minh và bền vững; mô hình đô thị thông minh theo hướng sinh thái, môi trường xanh; mô hình đô thị thông minh gắn với giáo dục, du lịch hoặc tiết kiệm năng lượng.
Ở nước ta, việc tiếp cận và xây dựng đô thị thông minh chủ yếu lấy chính quyền điện tử làm trọng tâm và phát triển thông minh hơn một số hạ tầng đô thị phù hợp với nhu cầu, điều kiện và nguồn lực có thể có của từng đô thị và từng giai đoạn cụ thể của địa phương. Sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của ICT trong mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tổ chức, quản lý nhà nước ở mọi quốc gia và hình thành nên các xu hướng quản trị thông minh và bền vững hơn. Giai đoạn trước năm 2010 là xây dựng chính phủ điện tử, giai đoạn sau năm 2010 là xu hướng xây dựng thành phố, đô thị thông minh và bền vững. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, song có trễ hơn.
Nắm bắt được xu hướng này, Đảng và Chính phủ ta đã chủ động xây dựng những định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa đất nước và xây dựng các đô thị thông minh tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là hai địa phương có thể mạnh trong việc ứng dụng ICT để xây dựng, phát triển thành phố. Năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên của nước ta được Tập đoàn IBM chọn là một trong 33 thành phố, đô thị trên thế giới triển khai xây dựng thành đô thị thông minh. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều đề án, chương trình ứng dụng ICT trong các ngành, lĩnh vực để định hướng hình thành đô thị thông minh. Năm 2017, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chính thức ký hợp tác với VNPT xây dựng mô hình Kiến trúc đô thị thông minh. Thành phố Hà Nội đang triển khai đề án “Thành phố thông minh hơn” giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến 2030. Một số địa phương như Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Kiên Giang ... cũng đã sẵn sàng cho quá trình xây dựng đô thị thông minh. Ước tính đã có gần 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp ICT trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh.
... Tiếp theo là xây dựng tiêu chuẩn
Trong một vài năm gần đây, đứng trước sức ép phát triển và đòi hỏi khách quan về quản lý đô thị, xây dựng đô thị và thành phố theo hướng bền vững và thông minh hơn, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và quốc gia như IEC, ISO, ITU, IEEE, CEN, CENELEC, ETSI, ANSI, BSI, AFNOR, DIN, JIS... đã tích cực nghiên cứu, triển khai dự án xây dựng tiêu chuẩn về đô thị thông minh nhằm xây dựng chiến lược, định hướng, quy hoạch phát triển hệ thống các tiêu chuẩn về đô thị thông minh nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các chủ thể áp dụng và triển khai.
Tiêu chuẩn được ví như chiếc chìa khóa của công nghệ, giúp cho các sản phẩm cùng phối hợp thông suốt và con người giao tiếp với nhau dễ dàng hơn. Các tiêu chuẩn quy định các khuôn khổ chung cho việc phát triển và vận hành các hệ thống của đô thị thông minh; các nguyên tắc và yêu cầu về sản phẩm, công trình, dịch vụ và hệ thống quản lý cho các nhà quản lý đô thị và các bên liên quan; các chỉ số đánh giá và chuẩn đo hiệu quả hoạt động của các hệ thống quản lý và các hạ tầng chính yếu của đô thị, đồng thời còn cung cấp và phát triển các giải pháp được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng đô thị.
Do được đúc kết từ những kiến thức chuyên môn và thực tiễn tốt nhất, tiêu chuẩn giúp đảm bảo chất lượng và hiệu năng của sản phẩm, dịch vụ và hệ thống trong đô thị, tạo ra sự tương thích giữa các công nghệ, thiết bị và giúp người dùng so sánh và lựa chọn giải pháp tốt nhất có sẵn. Tiêu chuẩn tạo thuận lợi cho các hệ thống hạ tầng đô thị kết nối với nhau một cách an toàn, an ninh, thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm và luôn được cải tiến thông qua việc áp dụng các ứng dụng ICT, đồng thời cung cấp hướng dẫn quan trọng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống đô thị. Với tiêu chuẩn, chúng ta thực sự có thể từng bước làm cho các đô thị trở nên thông minh hơn và bền vững hơn. Tiêu chuẩn chính là yếu tố gắn kết các bên liên quan, các yếu tố cấu thành và vận hành đô thị thông minh.
Và cùng nhau thực hiện
Kế thừa cơ sở lý luận và thực tiễn triển khai của các tổ chức, quốc gia trên thế giới trong những năm qua, Việt Nam cần phải xây dựng quy hoạch hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) phục vụ cho việc xây dựng đô thị thông minh, tập trung vào 4 nhóm tiêu chuẩn sau: (1) Khái niệm, thuật ngữ, quản lý và đánh giá; (2) Sản phẩm và dịch vụ; (3) ICT; (4) công trình và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, trước mắt cần ưu tiên tập nghiên cứu xây dựng các TCVN trong các lĩnh vực năng lượng, nước, giao thông, chất thải, ICT và công trình xây dựng, cụ thể hơn là các tiêu chuẩn: quản trị cơ sở hạ tầng đô thị; quản lý năng lượng và tài nguyên; sử dụng nước tiết kiệm; năng lượng tái tạo; lưới điện thông minh; giao thông thông minh; logistics; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; mã số mã vạch; khuôn khổ, kiến trúc và mô hình thông tin; mạng lưới và an ninh thông tin; trao đổi dữ liệu tự động; IoT; BigData; cảm ứng; kiến trúc và hoạch định đô thị; hạ tầng kỹ thuật và môi trường; hệ thống tòa nhà thông minh; mô hình thông tin xây dựng (BIM); mạng lưới đường ống đô thị. Căn cứ xây dựng các TCVN là những tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, quốc gia và nước ngoài phổ biến hiện có như ISO, IEC, ITU, EN, IEEE, BS, ANSI ... Các tiêu chuẩn này sẽ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của đô thị và có tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế xã hội. Đây là phương tiện để đảm bảo cung cấp hàng hoá và dịch vụ thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế và tăng trưởng và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong quá trình triển khai định hướng xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia là một thực thể không thể thiếu được trong quá trình triển khai đô thị thông minh. Vai trò của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia thể hiện đặc biệt quan trọng, đảm bảo thống nhất các thuật ngữ chung, khái niệm, đặc trưng, nguyên tắc và yêu cầu tối thiểu cho đô thị phố thông minh. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch, xây dựng và áp dụng TCVN.
Một trong những ưu tiên là phải xây dựng ngôn ngữ chung thông qua tiêu chuẩn cho tất cả các bên liên quan, góp phần làm rõ hơn và hài hòa nhiều hơn các khía cạnh, lĩnh vực, đối tượng và trách nhiệm trong lĩnh vực đô thị thông minh. Tiêu chuẩn góp phần làm cho Đô thị thông minh hơn và Bền vững hơn!