Hotline: 0964648020

logo
Nguyên tắc chung trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam

Việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam cần thực hiện theo các nguyên tắc chung như sau:

a) Lấy người dân làm trung tâm: Việc xây dựng đô thị thông minh phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị thông minh.

- Đảm bảo hầu hết người dân có nhận thức đầy đủ về các lợi ích cụ thể của đô thị thông minh.

- Đảm bảo người dân, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên liên quan được khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án, dự án đô thị thông minh.

- Đào tạo, hướng dẫn mọi người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ đô thị thông minh một cách thuận tiện.

b) Đảm bảo năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh. Đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở (open data) bao gồm những dữ liệu có thể hiểu được (được mô tả tường minh), sử dụng và khai thác được bởi tất cả các bên tham gia xây dựng đô thị thông minh. Dữ liệu mở do chính quyền địa phương sở hữu và chia sẻ cho các bên liên quan (nếu cần).

c) Đảm bảo tính trung lập về công nghệ; chú trọng áp dụng các công nghệ ICT phù hợp với đô thị thông minh như Internet Vạn vật (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... và có khả năng tương thích với nhiều nền tảng; tận dụng, tối ưu cơ sở hạ tầng ICT sẵn có.

d) Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, năng lực ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, đặc biệt là hạ tầng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân.

đ) Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế, địa phương chủ động xây dựng và triển khai Đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh, có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương (nhu cầu quản lý, nhu cầu của người dân, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). Việc xây dựng đô thị thông minh phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa-kinh tế, xã hội, các giá trị vật chất và phi vật chất của các địa phương. Trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể, địa phương gửi các Bộ, ngành cho ý kiến về các nội dung liên quan.

e) Địa phương tổ chức xây dựng Đề án tổng thể với lộ trình phù hợp cho các dự án theo các nguyên tắc chính sau:

- Ưu tiên các dự án nền tảng dài hạn có tính tổng thể và phục vụ liên ngành bao gồm Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh tại địa phương, đảm bảo an toàn thông tin, hạ tầng băng rộng...; cho phép xây dựng trên nền tảng đó các dự án phát huy được thế mạnh của địa phương, các dự án có tính cấp bách theo nhu cầu quản lý và nguyện vọng của người dân;

- Kiến trúc ICT đô thị thông minh tại địa phương được xây dựng theo những nguyên tắc của Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh tại Hướng dẫn này;

- Lựa chọn một số dự án thí điểm có khả năng làm điển hình để nhân rộng; tránh triển khai đồng thời nhiều dự án trong khi chưa kịp rút kinh nghiệm các dự án thí điểm hoặc chưa xây dựng các dự án nền tảng tổng thể dài hạn;

- Ưu tiên các dự án thuê dịch vụ ICT và sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ICT trong nước trong việc xây dựng đô thị thông minh;

g) Kiến trúc hoặc các giải pháp ICT đơn lẻ cần được xem xét một cách tổng thể trong các mối quan hệ với hạ tầng vật lý cũng như quy hoạch của địa phương mình để đảm bảo tính đồng bộ, bền vững trong phát triển đô thị;

h) Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội (như đối tác công tư...) để xây dựng đô thị thông minh; đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan như chính quyền, người dân, doanh nghiệp...;

i) Tăng cường phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng đô thị thông minh;

k) Tăng cường các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương và hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để tham khảo xu hướng, các bài học thực tiễn.